Dù người Nhật không ăn Tết âm lịch như Việt Nam nhưng ngày Tết dương lịch vẫn mang đậm nét văn hóa truyền thống đặc trưng của “xứ sở hoa anh đào”.
Người Nhật Bản không có phong tục đón tết âm lịch như hầu hết các nước châu Á, mà họ đón năm mới theo lịch dương, với nhiều nghi thức hết sức đặc biệt và mang phong cách riêng của một đất nước giàu truyền thống.Những phong tục tập quán đón Tết của Nhật Bản cũng ít nhiều có những điểm tương đồng với các nước châu Á khác và cũng có những nét đặc sắc riêng .Mời các bạn hãy cùng hòa mình vào không khí tết của người dân Nhật Bản và tìm hiểu những hoạt động thú vị họ thường làm trong dịp này
Bắt đầu từ 27-12 người Nhật Bản đã lo chuẩn bị đón Tết và gọi 3 ngày chuẩn bị này là “3 ngày trước Tết”.Trong khi đó, các bà mẹ cũng chuẩn bị những món ăn ngày Tết như làm bánh Tết và nấu món ăn tổng hợp. Họ làm các loại bánh để ăn trong những ngày Tết Bánh Tết tượng trưng cho sự may mắn, được làm vào ngày 28 hoặc 30 Tếtnhưng ngày 29 thì tuyệt đối không ai làm bánh cả vì theo tiếng Nhật “chín” phát âm giống chữ “khổ”. Họ cho rằng hôm đó mà làm bánh thì sẽ là thứ “bánh khổ”. Ai ăn phải chiếc “bánh khổ” cả năm sẽ gặp toàn chuyện rủi ro. Vì vậy người Nhật Bản rất kiêng làm bánh vào ngày 29.
Món ăn quan trọng nhất của năm mới là “món Tết”. “Món Tết” thực chất là món ăn ngọt, làm bằng các nguyên liệu thông thường như rễ cây ngưu bàng, trứng cá, cá sardin khô, tảo ăn, khoai lang, hạt dẻ… Người Nhật dùng những món ăn đơn giản nhưng giàu ý nghĩa tượng trưng này để ăn tết là xuất phát từ tâm lý cầu ước vạn sự tốt lành Bánh tết thập cẩm và món ragu khoai sọ, cà rốt, rau xanh nấu lẫn trong một nồi càng giàu ý nghĩa tượng trưng hơn. Đây là những đồ cúng, đồng thời cũng là món ăn dành cho nhiều người, để nhiều người được hưởng lộc thần linh và niềm sung sướng. Những lát cà rốt tượng trưng cho mối quan hệ gắn bó hòa thuận của mọi thành viên trong gia đình. Còn những của khoai sọ tượng trưng cho sức mạnh tẩy trừ tà khí.
Nhà nào nhà nấy đều lo dọn dẹp, dựng cổng chào kado-matsu (cổng gồm 3 cây tre trang hoàng thêm những cành thông nhỏ) trước nhà. Chắn ngang qua cổng là những sợi shimenawa (rơm bện với những giải băng giấy ngũ sắc dán xung quanh).
Trước khi Tết đến, mọi nhà đều trang trí cây tùng (kadomatsu) trước cửa. Tương truyền rằng, vị thần Toshigamisama sẽ hạ giới và trú ẩn trong cây tùng này. Ngày xưa người ta thường dựng cây tùng vào ngày 13/12 là ngày bắt đầu các công việc chuẩn bị đón Tết. Còn gần đây là ngày 27 hoặc 28 nhưng người ta tránh không dựng cây tùng vào ngày 29 và đêm giao thừa.
Mọi nhà đều trang trí cây tùng (kadomatsu) trước cửa
Trong nhà, phòng nào cũng được trang trí thêm những vật trang sức bằng rơm rạ. Đồ trang trí phải bày biện trước 30 tết và tới mùng 7 tháng 1 mới dọn đi. Trong 7 ngày đó, người Nhật đi thăm viếng người thân, bạn bè. Ba ngày đầu, nhà nào cũng uống rượu sake ngọt, ăn bánh canh bột gạo và chúc nhau mạnh khỏe.
Đêm 30 Tết, cả nhà quây quần ăn bữa tất niên chủ yếu là mì soba tượng trung cho sum vầy v à trường thọ , rồi cùng ngồi đón giao thừa. Đúng 24h, tiếng chuông nhà chùa thông qua kênh truyền hình truyền đi khắp cả nước. Người Nhật tin rằng 108 tiếng chuông chùa sẽ xua đuổi 108 con quỷ sứ. Trong tiếng chuông ngân nga, mọi người chúc tụng nhau và cùng ngồi vào chỗ của mình. Chủ nhà ngồi trên cùng, rút quạt ra tuyên đọc lời chúc mừng năm mới, cả nhà đồng thanh chúc tụng, sau đó cùng ăn bánh tết, uống rượu thần.
Trước cửa nhà sẽ đặt một chiếc khay để đựng thiệp chúc mừng của hàng xóm, người quen, bạn bè. Ngoài ra người ta còn chúc miệng nhau những lời chúc tốt lành. Thường còn gửi cả thiệp mừng tân xuân cho người cao tuổi, thân thích, họ hàng kèm theo quà tặng (gọi là oto shidama) nếu họ ở xa.
Mùng 1 tết ăn bánh dầy Ozoni Trong truyền thuyết cổ ngày xưa của Nhật Bản, vào ngày mùng 1 tết, vị thần Toshidon đã xuất hiện, ban tặng cho các em bé ngoan và vâng lời cha mẹ loại bánh dầy Ozoni. Từ đó, với mong muốn được hưởng nhiều những món quà của các vị thần, người Nhật Bản thường ăn Ozoni vào mùng 1 tết.
Mùng 2 tết là khai trương nếp sinh hoạt thường nhật của năm mới. Mọi thứ vào ngày hôm đó đều diễn ra lần đầu: quét dọn, làm lụng, vui chơi. Giấc ngủ đầu tiên trong năm mới gọi là hatsuyume. Ngày xưa, trước lúc ngủ, người ta thường đặt dưới gối bức vẽ những chiếc thuyền chở đầy vàng bạc, châu báu để đem lại may mắn cho năm mới.
Mùng 7, cả nhà sẽ quây quần bên mâm cháo nấu bằng 7 thứ rau để trừ ma. Ngày nay, người Nhật thường dùng các thứ rau đậu dễ kiếm như: mùi tây(seri), rau hakobe, rau tề (nazuna), tía tô đốm trắng (hotokenoza), cải củ (suzuna), củ cải đen (suzuhiro), rau khúc (hahakogusa). Hồi trước gia đình nào cũng ăn mừng rất thịnh sọan, cắt đồ, gia vị vào nồi cháo chỉ chủ nhà mới được làm, còn kẻ dưới thì chỉ đứng nhìn, tay khoanh trước ngực rất mực cung kính. Hiện giờ lệ đó hầu như không còn nữa.
Ngoài ra, người Nhật thường lấy tôm hùm làm đồ trang sức vì nó có hình dạng giống như cụ già khom lưng, ví với cảnh giàu sang phú quý, cả nhà trường thọ.
Xuất hành đầu năm, đi lễ chùa, cầu may cho cả năm cũng là một công việc trọng đại của người Nhật Bản. Mỗi năm sẽ có một hướng tốt khác nhau, nên mỗi năm người ta chỉ đi đền chùa ở hướng tốt của năm đó mà thôi. Khi viếng chùa, việc đầu tiên là rửa tay và súc miệng. Sau đó người đi lễ sẽ tiến đến tung vào hòm công đức trước điện thờ mấy đồng tiền, gọi là tiền hương hoa dâng lên thần phật, chắp tay lạy 2 lễ, vỗ tay 2 lần, chắp tay cầu nguyện và cuối cùng lạy một lễ. Hành lễ xong, mọi người nộp tiền rút thẻ hoặc mua một mũi tên thần, cầu mong thần linh che chở cho mình được sống một năm yên ổn.Ngày nay, việc đón mừng năm mới của người Nhật không còn cầu kỳ, trang trọng như trước, một số nghi lễ được bỏ qua, đặc biệt ở các đô thị. Tuy nhiên nhiều điều vẫn được duy trì như đi chùa cầu an, khai bút đầu xuân…. và hiển nhiên, trong các ngày tết, phụ nữ Nhật sẽ mặc kimono truyền thống.
Mỗi nước lại có một nền văn hóa đặc biệt và rất thú vị phải không nào. Chúc các bạn sẽ có thêm nhiều kiến thức bổ ích về đất nước mặt trời mọc này nhé.